1/19/2010

Xin hãy lắng nghe lời con trẻ

Tác giả: Nguyễn Vũ Lam
 

Chúng ta có thể dạy đứa trẻ một con chữ, giúp nó hình thành một ý thức, một lối sống có văn hoá ngay từ nhỏ. Nhưng sẽ thật khó khăn để thay đổi một thói quen đã ăn vào máu thịt của một người đã trưởng thành. Chúng ta có thể yêu cầu anh ta không được có những hành động thiếu văn hóa ở chỗ này, nhưng ai dám chắc anh ta sẽ lại không hành động như vậy ở nơi khác…

Nếu bữa sáng của bạn là một ly café, một gói bánh quy hay một cốc sữa thì tôi lại trung thành với bún Huế vỉa hè.

Con phố Trưng Nhị - Hà Đông vẫn tấp nập người và xe, những chiếc xe lùi lại tiến đầy khó khăn trong con ngõ chật hẹp. Trên vỉa hè, những dãy bàn ghế được kê ngay ngắn, những lọ dấm, ớt, những rổ rau sống rất hấp dẫn. Chiếc bếp than hồng rực lửa. Nồi nước dùng đang sủi ùng ục, bốc khói nghi ngút sau mỗi lần mở vung. Đôi bàn tay nhanh nhẹn, mau lẹ của hai mẹ con bác bán bún đưa liên hồi, hết chao lại múc mà vẫn không kịp phục vụ cho khách. Giọng nói đặc sệt miền Trung của bà chủ quán vẫn cất lên liên tục đầy sự cảm thông, áy náy mỗi khi khách than phiền không có chỗ ngồi hay phải đợi lâu.

Chờ đợi mãi, cuối cùng, tôi cũng kiếm được cho mình một chỗ ngồi khiêm tốn. Đây không phải lần đầu nhưng lần nào tôi cũng kiên trì chờ đợi vì tôi vốn là người rất biết chiều chuộng thói quen và sở thích của mình. Quán bún vỉa hè này có đầy đủ các thành phần thực khách, từ người bình dân đến người sang trọng. Ai cũng kiên trì nán lại đây để được thưởng thức một bát bún ngon.

Bún Huế là một món ăn không lạ với người Hà Nội. Nó có vị ngon rất đặc trưng của Huế. Tôi thích ăn bún Huế vào những buổi sáng mùa đông. Nó vừa nóng, lại hơi cay. Nó làm tôi nóng bừng sau mỗi lần hít hà.

Bát bún được bê đến cho tôi trước sự thèm thuồng của những kẻ chờ đợi. Sẽ là một bát bún ngon tuyệt nếu không có những tiếng khạc nhổ ten tét, những bãi nước bọt phun ra ngay trước mặt trong sự ngỡ ngàng, kinh khiếp của tôi. Trước mắt tôi không phải là một đứa bé mà bảo nó chưa biết gì, cũng không phải một bà già hay ông già mà bảo lẩm cẩm. Đó càng không phải những bác nông dân chân lấm tay bùn để đổ lỗi “Hai lúa mới ra” không hiểu biết, tuỳ tiện, thiếu văn hoá. Mà đó là một thanh niên trẻ, có học thức, ăn mặc chỉn chu, lịch sự, xài điện thoại sành điệu. Đây có phải là “tư duy tiểu nông” hay “văn hoá nông dân” mà nhiều người thành phố vẫn hay biện minh cho những hành động thiếu văn hoá của mình? Một hành động rất thoải mái, tự nhiên mà không hề có phản ứng hay biểu hiện của sự ngượng ngùng trước những con mắt ngạc nhiên đổ dồn về phía anh ta.



Hình minh hoạ

Nhìn cách anh ta chăm chút cho hình thức bên ngoài, từ đôi giày đánh xi bóng nhoáng, đến cách ăn mặc cầu kỳ, ít ai có thể tin được hành động mà anh ta đã làm. Điều đó đã tố cáo một lối sống tuỳ tiện, phóng túng của nhiều thanh niên trẻ hiện nay. Giá như anh ta cũng có thể chăm chút cho nhân cách, cho ý thức của mình bằng một phần mười cái cách mà anh ta đang chăm chút cho hình thức bên ngoài thì có lẽ anh ta đã được mọi người đón nhận với một ánh mắt hoàn toàn khác.

Điều đó cũng lý giải tại sao ngày càng nhiều những nam thanh nữ tú, xài hàng hiệu, đi SH, @ nhưng vẫn nói những lời lẽ không đẹp, vẫn văng những câu chửi thề, vẫn vừa phóng như điên trên những chiếc xe đắt tiền, vừa nhai vừa cắn, vừa vứt những vỏ hạt dưa, hạt bí… Đó là do họ không nhận thức được việc làm của mình. Đó là hậu quả của lối sống dễ dãi, đua đòi, là do họ không được giáo dục tới nơi tới chốn. Họ không hiểu được thế nào là văn hoá cộng đồng, là văn hoá giao tiếp, văn hoá ứng xử trong xã hội. Họ không được giáo dục phải biết sống có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Đó là tư duy của lối sống ích kỷ, không biết tự trọng, không biết nghĩ đến lợi ích của tập thể, của cộng đồng.

Tại sao khắp nơi trong thành phố Hà Nội, đâu đâu cũng thấy chằng chịt những tờ quảng cáo, tiếp thị dán chồng chất lên nhau? Phải chăng là bởi vì ai cũng muốn đặt lợi ích của mình lên trước hết mà không cần quan tâm nó ảnh hưởng như thế nào đến xã hội, đến cảnh quan môi trường, đến đời sống tập thể…? Lại chỗ khác những túi nilon, những bọc rác thải được quăng, vứt bừa bãi. Hay câu chuyện rình lúc không có hàng xóm ở nhà để dắt chó sang tè bậy… Họ chỉ biết đến lợi ích của họ. quyền lợi của họ. Cứ như thế thì làm sao Hà Nội lại không lem nhem sau mỗi đợt bóc, xoá. Người đi bóc đằng trước, lại có người thậm thụt dán trộm đằng sau. Như thế thì đến bao giờ chúng ta mới thấy một Hà Nội sạch, một Hà Nội văn minh.

Không thể đem câu chuyện của một thanh niên được ăn học đàng hoàng, một người lịch lãm, thành đạt để so sánh với một đứa trẻ lên ba. Thế nhưng ý thức, hành động của anh ta thì lại thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hoá trong giới trẻ, cũng như văn hoá nơi công cộng.

Có lần, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của một cặp vợ chồng cùng đứa con trai khoảng ba tuổi. Khi đó, đứa trẻ đòi hút sữa. Sau khi hút hết hộp sữa, cháu bé liền đưa vỏ hộp sữa cho mẹ. Mẹ cháu bé định vứt ngay vệ đường thì lập tức cháu bé ngăn lại. Câu nói của cháu bé không chỉ làm bố mẹ cháu mà ngay cả tôi cũng phải ngạc nhiên. Cháu nói với mẹ bằng thái độ rất nghiêm túc:

Mẹ ơi, ở đây có bãi rác nào không hả mẹ?

Không có con ạ, mẹ vứt ở ven đường cũng được.

Không mẹ ơi, hay mẹ cứ đưa cho con cầm, khi nào thấy bãi rác thì mẹ bảo con để con vứt nhé.

Một đứa trẻ còn đang học nói mà đã có được câu nói như vậy. Có thể câu nói đó chỉ là vô thức nhưng nó là một bài học giá trị cho ý thức của người lớn chúng ta. Có một sự thật trái chiều, khi người ta nói “trẻ con như búp trên cành”, “như trang giấy trắng” để nói nên những ảnh hưởng từ việc làm, lời nói và hành động của người lớn đối với tâm lý, tới việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ thì câu chuyện vừa rồi chẳng phải chính đứa trẻ lên ba đó lại đang dạy những người lớn chúng ta một bài học về ý thức, về văn hoá nơi công cộng hay sao?

Điều đó cũng thật dễ hiểu vì sao một đứa trẻ lại có thể thuộc những câu chửi, còn nhanh hơn những lời chào hỏi. Chúng ta đã không ít lần cảm thấy khó chịu, có khi nổi giận với những câu nói, câu chửi bậy của chúng. Thế nhưng chúng ta lại không kiên nhẫn để tìm hiểu những câu nói ấy được chúng học từ đâu, ai đã nói cho chúng nghe? Có phải chúng đã học từ chính những người lớn chúng ta?

Dù là hành động của người thanh niên hay câu nói của đứa trẻ lên ba thì cũng đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta có thể dạy đứa trẻ một con chữ, xây dựng cho nó một ý thức, một lối sống có văn hoá. Nhưng sẽ thật khó khăn để thay đổi một thói quen đã ăn vào máu thịt của một người thanh niên đã trưởng thành. Chúng ta có thể yêu cầu anh ta không được khạc nhổ chỗ này, nhưng ai dám chắc anh ta sẽ lại không hành động như vậy ở nơi khác. Và những đứa trẻ chúng sẽ làm gì khi chứng kiến những việc làm phi văn hoá của người lớn?

Cái cốt lõi không phải là bắt họ làm như thế này hay thế khác mà chúng ta phải biết cách giáo dục để họ ý thức được việc làm của mình, phải biết cách khơi dậy, đánh thức lòng tự trọng thường trực trong họ, để từ đó họ có những hành động, những cư xử có văn hoá, văn minh nơi công cộng.

quangcaopro - Theo tuanvietnam

0 comments:

Post a Comment

Mời bạn cùng góp ý ở đây nhé !